Đảm bảo an toàn sinh học bằng quy trình cùng vào cùng ra trong chăn nuôi heo

Cùng vào cùng ra là gì? Là tất cả các heo cùng lứa hoặc cùng nhóm phải được nuôi nhốt ở cùng khu vực với cùng khoảng thời gian. Cùng lứa là cùng lô phối, cùng lô đẻ, cùng lô cai. Cùng nhóm là cùng khoảng trọng lượng (VD: heo con cùng nhóm trọng lượng thì nuôi cùng khu), cùng tình trạng dịch tễ (VD: heo khỏe nhốt một số ô, heo bệnh nhốt một số ô), cùng mục đích chăn nuôi (VD: heo hậu dùng chọn làm nái nhốt một số ô, heo đực thiến nhốt một số ô). Cùng khu vực được hiểu là cùng nhà nuôi, cùng chuồng nuôi, cùng dãy, cùng ô. Tùy điều kiện chuồng trại mà phân khu, ưu tiên xếp khu vực theo nhà nuôi và chuồng nuôi. Cùng thời gian: công ty quản lý thời gian chăn nuôi theo tuần.

Nguyên tắc phải tuân thủ

Chuyển heo theo luồng một chiều. Heo đã chuyển ra khỏi khu vực nuôi thì không quay lại ngay. Chỉ chuyển heo đến nơi nuôi mới khi nơi đó đã được vệ sinh sát trùng và tiêu độc làm sạch hết mầm bệnh. Heo chuyển vị trí nuôi theo nhóm tuổi, trọng lượng và trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Khi chuyển lô heo nào là chuyển đi hết lô đó, không giữ lại khu vực nuôi các heo của lô cũ. Heo không đủ tiêu chuẩn xuất trại cùng với lứa xuất thì phải tách ra khu riêng biệt chăm sóc riêng, không để nuôi chung với các lô heo sau.

Những yêu cầu khi thực hiện quy trình cùng vào, cùng ra

Trọng lượng và tuổi: Để thực hiện quy trình chăn nuôi cùng vào – cùng ra, trọng lượng và độ tuổi của heo cai sữa cần phải gần bằng nhau nhất có thể (chênh lệnh dưới 1 tuần tuổi). Để có được điều đó, quy trình chăm sóc và dinh dưỡng trong thời gian trước khi cai sữa đóng vai trò then chốt, và phải đặt mục tiêu là tối đa hóa trọng lượng cai sữa của heo con.

Những heo còi, nhỏ, ốm còm lúc cai sữa thường là những cá thể mang mầm bệnh. Lúc này, người quản lý cần phải đưa ra quyết định có nên nhập chung những heo nhỏ con này với đàn heo cai sữa khỏe mạnh hay loại bỏ hoặc tách ra thành nhóm riêng nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn đàn.

Chuẩn bị chuồng cai sữa riêng biệt: Heo mới tách mẹ cần được đưa vào một chuồng riêng, tách biệt trong một khu nhà hoặc nếu có thể thì được chuyển đến một khu nhà khác hoàn toàn riêng biệt.

Chuồng dành cho heo mới cai sữa cần được thiết kế để dễ dàng làm ấm, có nền hoặc sàn chuồng phù hợp để heo con không bị kẹt chân hoặc bị các vết thương khác trên da nhằm tránh tối đa những nguy cơ viêm nhiễm trong thời gian heo con phải trải qua quá trình stress về sinh lý, tâm lý cũng như môi trường.

Heo con phải cùng nguồn gốc: Nếu trại nhận heo cai sữa từ các trại khác nhau thì heo con mua ở mỗi trại cần được nhốt riêng trong những ô chuồng khác nhau và tốt nhất là trong các tòa nhà khác nhau nếu có thể.

Mỗi đàn heo từ mỗi trại khác nhau sẽ mang trong mình những mầm bệnh khác nhau, cho dù các trại khác nhau này đang nuôi cùng giống heo, cho ăn cùng loại thức ăn, dùng cùng các loại kháng sinh và cùng quy trình tiêm phòng…Vì thế, cần luôn cẩn thận theo dõi heo con mới mua về nhằm phát hiện các tình trạng bệnh sớm nhất có thể.

Thay đàn: Việc thay đàn đối với nái hậu bị cần được thực hiện một cách cẩn thận và thực sự lưu tâm đến nguy cơ nhiễm bệnh vào đàn nái đang sản xuất tốt của bạn.

Trước tiên, các nái hậu bị cần được đưa vào những chuồng nuôi cách ly, nhốt riêng lẻ và tiến hành kiểm tra huyết thanh về các chỉ tiêu vi sinh, huyết thanh học (kháng thể đặc hiệu với các mầm bệnh). Việc này được tiến hành nhằm xác định rõ tình trạng sức khỏe của nái hậu bị.

Tiếp theo, di chuyển các nái hậu bị có kết quả kiểm tra tốt và có biểu hiện sức khỏe bình thường từ chuồng cách ly vào khu nái sản xuất. Tuy nhiên, trong 8 – 10 ngày đầu, nên để những nái hậu bị này ở những ô chuồng nuôi thích nghi, thiết kế lệch về một phía của khu nái sản xuất.

Việc này nhằm giảm tối đa nguy cơ nái hậu bị giới thiệu những mầm bệnh chưa được phát hiện vào đàn nái sản xuất; đồng thời cho phép nái hậu bị có thời gian làm quen với những mầm bệnh đang hiện diện sẵn trong khu vực nái sản xuất.

Những nái ở ô chuồng thích nghi cần được chăm sóc cẩn thận hơn, môi trường chuồng nuôi cần được giữ sạch sẽ, thoáng mát và khô ráo để dễ dàng đánh giá tình trạng nái. Trong thời gian cách ly và thời gian thích nghi, cần tiến hành các bước của quy trình tiêm phòng mà trại đang áp dụng.

Vệ sinh sát trùng: Sau mỗi đợt xuất chuồng đối với trại nuôi heo thịt, hoặc mỗi lứa cai sữa đối với trại nái đẻ, chuồng trại cần được quét dọn sạch sẽ nền, tường và mái nhà. Sau đó dùng máy phun nước áp lực để tẩy rửa những chất cặn bã còn dính lại trên bề mặt. Tiếp theo, tiến hành phun xịt thuốc sát trùng.

Bên cạnh đó, tất cả các dụng cụ liên quan đến chăn nuôi trong khu vực đang vệ sinh sát trùng cũng cần được tẩy uế một cách cẩn thận, ví dụ như quạt, máng ăn, thảm trải, tấm lót, máng uống, đồ chơi cho heo con, chuồng úm…

Thiết kế chuồng trại: Trong một trang trại, các khu vực nuôi đối với các lứa tuổi heo và loại heo khác nhau cần được xây dựng cách nhau ít nhất là 100m. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít trại có thể thực hiện được nguyên tắc này.

Trong một trang trại, các khu vực nuôi đối với các lứa tuổi heo và loại heo khác nhau cần được xây dựng cách nhau ít nhất là 100m. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít trại có thể thực hiện được nguyên tắc này. Nếu không thể thực hiện được điều này, thì ít nhất, cần phải thiết kế khu nhà nuôi sao cho luồng khí hút ra từ khu nhà nuôi này không thể đi trực tiếp vào khu nhà nuôi kế cận.

Quy trình quản lý: Trong trường hợp trại không thể cung cấp các khu nhà khác nhau cho các lứa tuổi heo khác nhau, có nghĩa là nhiều lứa tuổi heo khác nhau được nhốt ở các chuồng khác nhau trong cùng một tòa nhà nuôi, hoặc các lứa tuổi khác nhau trong được nuôi trong các nhà nuôi khác nhau đặt cạnh nhau thì việc chăm sóc từng nhóm heo cần tuân thủ nguyên tắc: heo nhỏ tuổi hơn phải được ghé thăm và chăm sóc trước những nhóm heo có hoặc tuổi lớn hơn. Như vậy, việc chăm sóc phải được bắt đầu từ những heo con nhỏ tuổi nhất và kết thúc ở những heo cao tuổi nhất trong từng khu nhà. Thùng nước chứa chất sát trùng hoặc hố sát trùng cần được thiết kế tại cửa vào của khu nhà.

Trong trường hợp người chăm sóc heo đã di chuyển sang những chuồng heo có tuổi lớn hơn nhưng cần quay trở lại để xem chừng nhóm heo tuổi nhỏ hơn trong tòa nhà, thì việc quay trở lại này tốt nhất là nên thực hiện sau khi đã hoàn thành việc ghé thăm và chăm sóc tất cả các nhóm heo khác trong tòa nhà. Lưu ý rằng trước khi quay trở lại nhóm heo cần ghé thăm, người công nhân phải thay đổi bộ đồ mới, giày mới. Như vậy, việc chăm sóc cũng cần phải thiết lập theo một quy trình xuôi, tính theo độ tuổi của heo. Phải tuyệt đối tránh tình trạng tùy tiện di chuyển từ nhóm heo này sang nhóm heo khác có độ tuổi khác nhau.

Khách tham quan, người lạ: Để duy trì tình trạng an toàn sinh học tốt của trại, cần hạn chế các phương tiện lây lan ra vào khu vực trại, bao gồm con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và các loại vật nuôi cũng như động vật hoang dã (chim hoang, chó mèo hoang, heo hoang…) hoặc côn trùng (ruồi, muỗi) và loài gặm nhấm (chuột).

Những vị trí có con người hoặc các phương tiện vận chuyển thường xuyên ra vào không nên liên thông trực tiếp với heo và luôn cần được vệ sinh sát trùng thường xuyên. Nhân viên chăm sóc heo cần mang quần áo, ủng sạch mỗi ngày.

Khách tham quan cần mang độ đồ che phủ từ đầu tới chân và mang ủng mới khi vào tham quan. Bộ đồ dùng cho khách tham quan có thể ở dạng sử dụng một lần hoặc là đồ tương tự như của nhân viên trong trại nhưng cần giặt sạch và hấp khử trùng nếu có thể sau mỗi đợt tham quan. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *